Nguồn: Tuyên Pháp
Có rất nhiều trạng thái trung ấm nhưng nghĩa được biết đến nhiều nhất là dùng để chỉ trạng thái chuyển tiếp giữa sự chết và tái sinh khi người ta đã trải qua một kiếp sống mà chưa bước vào một kiếp khác, hay có thể là một cảnh giới khác. Trung ấm (Bardo) là từ tiếng Tạng có thể được dùng cho cả trạng thái thiền định, trạng thái giấc mộng hay những trạng thái chuyển tiếp khác. Sự sống mà chúng ta nghĩ thật ra chỉ là một dạng trung ấm “từ sống đến chết”.
Sau khi chết, mỗi chúng sinh đều phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau của những trung ấm khác nhau. Những giai đoạn này có thể dài hay ngắn. Khi ấy không còn hình tướng, thân thể, âm thanh và hơi thở. Bạn sẽ được đưa vào những cảnh giới khác nhau tùy theo nghiệp của bạn . Khi bạn ở giai đoạn trung ấm, cả nghiệp tốt và nghiệp xấu đều xuất hiện. Nghiệp nào nặng hơn, nghiệp đó sẽ quyết định cảnh giới mà bạn sẽ đầu thai vào. Trong giai đoạn trung ấm, có nhiều nghiệp lực lôi kéo theo nhiều hướng khác nhau. Nghiệp lực nào mạnh nhất sẽ thắng.
Đôi khi, những pháp vương vĩ đại có thể trực tiếp đưa thần thức này vào những cõi Phật hay cõi Thiên nhờ vào vô lượng công đức, lòng từ bi, quyền năng và những thành tựu Phật pháp của họ. Nhiều vị pháp sư, rinpoche và lạt-ma cũng có khả năng cùng nhau tiến hành những nghi thức Phật giáo để đưa thần thức người chết đến cảnh giới cao hơn, tuy nhiên rất hiếm khi chỉ có một người mà làm được điều này. Nó đòi hỏi mức độ chứng ngộ rất cao cùng những quyền năng và năng lực Phật pháp mạnh mẽ. Cá nhân hay những người làm các nghi thức này thực ra đã chuyển công đức của họ cho người chết. Từng cá nhân những vị rinpoche hay lạt ma thực hiện những pháp nhất định và chuyển công đức của những nghi lễ này cho người chết.
Những nghi thức này phải được tiến hành trong vòng 49 ngày sau cái chết, vì sau khoảng thời gian 49 ngày này, thần thức của người chết sẽ phân tán và đi vào vòng luân hồi. Tuy nhiên, điều này không phải bao giờ cũng vậy. Có những người đầu thai rất nhanh ngay sau khi họ chết, nhưng cũng có những người trôi nổi rất lâu mà không đầu thai được. Điều này tùy thuộc vào nghiệp của người ấy nặng hay nhẹ và nghiệp này che chướng “A-lại-da thức” hay “thức thứ tám” của người đó nhiều hay không.